PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG LÀ ''CON ĐƯỜNG'' SÁNG CỦA DOANH NGHIỆP
Kết quả khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại các doanh nghiệp trong các đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, những doanh nghiệp theo đuổi con đường phát triển bền vững đều phục hồi nhanh hơn, tạo ra được “kháng thể” trước đại dịch. Phát triển bền vững giờ không còn là câu chuyện xa vời, to tát, chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, mà của cả cộng đồng doanh nghiệp.
Ngày 9/12/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2021) với chủ đề “Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: không để ai bị bỏ lại phía sau” và Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI 2021).
THÁCH THỨC LỚN NHẤT LÀ NHẬN THỨC
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, trong gần 6 năm theo đuổi thực hiện các mục phát triển bền vững, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
Xét trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) liên tục tăng trong giai đoạn 2016 – 2021. Vị thế của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu cũng được cải thiện không ngừng với chuỗi tăng về thứ hạng, từ vị trí 88/149 quốc gia năm 2016 lên vị trí 51/165 quốc gia năm 2021.
Đặc biệt, sự chuyển biến trong doanh nghiệp về phát triển bền vững cũng đã có nhiều thay đổi. Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp dần chuyển dịch định hướng, chiến lược kinh doanh từ kinh doanh vì lợi nhuận sang kinh doanh có trách nhiệm.
Kết quả công bố các doanh nghiệp bền vững Việt Nam lần thứ 6 năm 2021 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đạt danh hiệu top 10 phát triển bền vững lần lượt là 55% và 45%. Trong top 100 thì tỷ lệ này lần lượt là 63% và 27%.
Đánh giá về tình hình thực hiện phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBCSD, cho rằng doanh nghiệp hiện không những chỉ ý thức về khái niệm phát triển bền vững, mà họ còn thấm thía tầm quan trọng cũng như sự “sống còn” của việc thực hiện phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là khi phải đối mặt với cú “sốc” đại dịch Covid 19.
Ông Vinh dẫn chứng, trong 11 tháng năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ước tính là hơn 100 nghìn doanh nghiệp, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, những doanh nghiệp kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững trong nhiều năm qua đã tự tạo ra được “kháng thể” trước đại dịch, duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng trong kinh doanh, thậm chí bứt tốc phát triển.
Khảo sát của VBCSD thực hiện vào tháng 9/2021 về thực trạng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch cho thấy, có tới 81% doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết ngành, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng.
Mặc dù vậy, ông Công cho rằng, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất hiện nay đó là nhận thức và năng lực của toàn hệ thống (con người, cơ sở hạ tầng, tài chính và thể chế) còn thấp, làm cho những thói quen cũ trong sản xuất đời sống và quản lý chậm thay đổi.
Nhận thức về phát triển bền vững của không ít cơ quan, doanh nghiệp và người dân còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất. Các chính sách kinh tế - xã hội còn thiên về tăng trưởng nhanh, về kinh tế và ổn định xã hội, mà chưa quan tâm đúng mức đến tính bền vững khi khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, gắn với bảo vệ môi trường…
Cùng với đó, nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam chủ yếu vẫn là nguồn lực công, việc huy động nguồn lực tư nhân, các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp; phương thức tăng trưởng còn nặng theo chiều rộng, sử dụng năng lượng hóa thạch là nguyên liệu đầu vào, trong khi trình độ sử dụng công nghệ mới để giảm tiêu hao vật chất còn thấp.
“SÂN CHƠI” CỦA MỌI DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI DÂN
Để nhân rộng mô hình phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp, ông Công cho biết, VCCI phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như các bộ, ngành, địa phương thực hiện các sáng kiến như: thực hiện chương trình đánh giá xếp hạng doanh nghiệp bền vững dựa trên Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI); huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh cũng như Diễn đàn cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (Diễn đàn P4G); triển khai sáng kiến về nền kinh tế tuần hoàn...
"Tất cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó 97% là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, cần cùng nhau xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững. Chúng ta đừng coi đây chỉ là “sân chơi” của các doanh nghiệp lớn, mà phát triển bền vững là của tất cả các doanh nghiệp và tất cả mọi người." (Ông Vũ Đức Đam chia sẻ)
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, chia sẻ, qua đại dịch Covid-19, nhiều mô hình phát triển bền vững cho thấy khả năng thích ứng đối với dịch bệnh, những yếu tố an ninh phi truyền thống và biến đổi khí hậu.
Giờ đây, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững vào tất cả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững là thách thức rất lớn với tất cả các quốc gia, kể cả những nước phát triển nhất. Việt Nam là nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn, nhưng đã mạnh dạn đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ về phát triển bền vững.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thành 2 mục tiêu về giáo dục, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm. Còn các chỉ tiêu khác đang trong quá trình thực hiện, trong đó chỉ tiêu về hạ tầng, tài nguyên đất liền, tài nguyên biển còn khoảng cách rất lớn.
Từ sự khởi xướng về mô hình kinh tế tuần hoàn, nhiều dự án rất cụ thể, các doanh nghiệp phát triển bền vững đã hình thành nhiều hoạt động quy mô lớn trong xã hội, thậm chí trở thành phong trào.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định, không chỉ Chính phủ, doanh nghiệp, mà cộng đồng và từng người dân cũng có vai trò quan trọng trong thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững. “Chúng ta phải cùng nhau thực hiện những việc dù là nhỏ nhất, thay đổi thói quen ngay từ ban đầu vì sự phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng nói.
Ông cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp có đóng góp quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam. Những doanh nghiệp theo đuổi triết lý phát triển bền vững đã đứng vững, giúp ích được cộng đồng, người lao động.
"Phát triển bền vững không phải là chuyện xa vời, to lớn, chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn. Phát triển bền vững rất thiết thực, có thể được cụ thể hóa thông qua việc thực hiện tốt các quy định pháp luật và hành xử văn minh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp dù ở bất kỳ quy mô, lĩnh vực hoạt động nào." (Ông Phạm Tấn Công-Chủ tịch VCCI-Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam)
"Phát triển bền vững không phải là chuyện xa vời, to lớn, chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn. Phát triển bền vững rất thiết thực, có thể được cụ thể hóa thông qua việc thực hiện tốt các quy định pháp luật và hành xử văn minh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp dù ở bất kỳ quy mô, lĩnh vực hoạt động nào." (Ông Nguyễn Quang Vinh Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBCSD)
***Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Điều khoản sử dụng – Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của website.
Trang web này thuộc bản quyền của Công ty TNHH Quốc tế NGO (NGO International). Bất kỳ hình thức sử dụng hoặc sao chép một phần hoặc toàn bộ nội dung dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm, trừ trường hợp được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản từ Chúng tôi.