NHỮNG SỰ KIỆN MÔI TRƯỜNG TIÊU BIỂU NĂM 2022
1. Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực
Từ ngày 1/1/2022, Luật BVMT năm 2020 chính thức có hiệu lực. Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên xác định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Trọng tâm của Luật là bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân và thay đổi phương thức quản lý, cắt giảm thủ tục hành chính...và bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, nhất là môi trường không khí, môi trường nước; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
2. Chính phủ ban hành Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone
Đây là nội dung của nội dung Nghị định số: 06/2022/NĐ-CP quy định chi tiết Điều 91, Điều 92 và Điều 139 của Luật Bảo vệ môi trường về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon, tổ chức và phát triển thị trường carbon và các biện pháp thúc đẩy hoạt động về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
3. Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn
Ngày 28/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”.
Các cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được trao đổi, thảo luận, đặc biệt từ khối tư nhân trong việc xây dựng và triển khai mô hình KTTH tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
4. Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V (Giai đoạn 2016 - 2022).
Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V và các sự kiện liên quan được tổ chức đầu tháng 8/2022, nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2022; quán triệt và cùng thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân và doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới với quyết tâm đưa Việt Nam trở thành nước phát triển xanh và bền vững; thống nhất tổ chức triển khai các chính sách mới, đột phá của Luật Bảo vệ môi trường 2020 nhằm đưa nhanh các chính sách đi vào cuộc sống, đưa công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam sớm bắt nhịp với các nước tiên tiến trên thế giới.
.5. Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Theo Điều 26 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về vi phạm các quy định phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường quy định như sau: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Nghị định 45 có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022.
6. Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước từng bước được hoàn thiện; nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngành nước được tăng cường. Công tác điều tra cơ bản, quy hoạch liên quan đến nguồn nước được quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai được thực hiện thường xuyên. Hợp tác quốc tế được mở rộng, nhất là với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam trong khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên biên giới.
7. Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương.
Một số quy định cụ thể về: Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; điều hòa, phân phối và Khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ và phát triển nguồn nước; quan hệ quốc tề về tài nguyên nước… được nêu rõ trong dự thảo.
8. Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022(COP 27)
Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 27) do Ai Cập đăng cai tổ chức tại thành phố Sharm El-Sheikh đã thông qua Thỏa thuận khí hậu cuối cùng với điều khoản đáng chú ý, nhất là việc các nước nhất trí thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.
Thỏa thuận cuối cùng của COP 27 bao quát một loạt nỗ lực lớn của thế giới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
9. Dự án 11 triệu USD thúc đẩy các sáng kiến nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Là dự án của Tổ chức Winrock International (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ-USAID) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện.
Dự án thực hiện trong 5 năm, ngân sách dự kiến là 11,3 triệu USD. Mục tiêu là triển khai các sáng kiến giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhằm định hướng và nâng cao năng lực các tổ chức, mạng lưới tại Việt Nam cùng giải quyết các thách thức về ô nhiễm môi trường bằng cách tiếp cận và đánh giá các tác động ô nhiễm môi trường mang tính khu vực và toàn cầu, đặc biệt giải quyết các vấn đề về chuyển đổi năng lượng, ô nhiễm rác thải nhựa, tăng cường việc tái chế, tái sử dụng chất thải, nâng cao ý thức cộng đồng về giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong tương lai.