V | E

NGHỊ ĐỊNH 155/2016/NĐ-CP: QUY ĐỊNH XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH VI PHẠM MÔI TRƯỜNG MỚI

NGO News - Nhằm mục tiêu nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị định số 155/2016/NĐ-CP trong lĩnh vực môi trường.

1. Việt Nam ban hành nghị định mới số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính đối với vi phạm môi trường, tăng cường thanh tra để bảo vệ môi trường

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 01/02/2017.

Các vi phạm bao gồm: Các hành vi vi phạm các quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và đề án bảo vệ môi trường; Các hành vi gây ô nhiễm môi trường; Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung…

Về mức phạt:  cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh và dịch vụ tập trung, làng nghề và khu nuôi trồng thủy sản bị phạt từ 5 - 500 triệu đồng.  Cá nhân vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường và nguy hại vào môi trường bị phạt từ 300 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng tùy theo mức độ vi phạm.

Khi xác định mức phạt, quy định chọn thông số tương ứng với hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao nhất của mẫu nước thải hoặc bụi, khí thải để xử phạt. Các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật còn lại của cùng mẫu chất thải đó sẽ bị phạt tăng thêm từ 10% đến 50% mức phạt tiền cao nhất của hành vi vi phạm đã chọn đối với mỗi thông số môi trường đó.

Đối với việc thanh kiểm tra: Nghị định quy định rõ một năm chỉ có một đoàn kiểm tra hoặc thanh tra của cơ quan có chức năng (Bộ tài nguyên MT, Sở tài nguyên môi trường các tỉnh) trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại một cơ sở, doanh nghiệp, trừ trường hợp kiểm tra, thanh tra đột xuất theo quy định của pháp luật. Riêng Công An môi trường có trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nên không có quy định giới hạn về số lần kiểm tra, cách thức kiểm tra để phát hiện hành vi vi phạm của cá nhân hoặc tổ chức.

2. Các lĩnh vực tăng cường thanh tra trong năm 2017

Năm 2017 tập trung thanh tra môi trường dệt nhuộm, luyện thép

TTO - Bộ Tài nguyên - môi trường vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành kế hoạch dự kiến thanh tra môi trường năm 2017, theo đó sẽ tập trung vào các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm thuộc lĩnh vực dệt nhuộm, luyện kim và sản xuất thép.

Cụ thể, Bộ TN-MT cho biết sẽ tập trung thanh tra 3 nhóm đối tượng.

Thứ nhất, các dự án, cơ sở do Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường và đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường.

Thứ hai, chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và một số cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc các lĩnh vực dệt nhuộm, sản xuất, chế biến và thuộc da, xi mạ, luyện kim và sản xuất thép, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản, giấy và bột giấy, tinh bột sắn, sản xuất và chế biến cao su, chế biến thực phẩm, mía đường, hóa chất.

Thứ ba, các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200m/ngày đêm trở lên.

Nguồn: tuoitre.vn

Năm 2017 thanh tra môi trường hàng loạt tỉnh, thành

Cụ thể, năm 2017, Tổng cục Môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố gồm: Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Gia Lai, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố thuộc các lưu vực sông Cầu gồm Bắc Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hải Dương; sông Nhuệ - Đáy gồm Hà Nam, Ninh Bình và sông Đồng Nai gồm Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

 

***Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Điều khoản sử dụng – Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của website.

Trang web này thuộc bản quyền của Công ty TNHH Quốc tế NGO (NGO International). Bất kỳ hình thức sử dụng hoặc sao chép một phần hoặc toàn bộ nội dung dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm, trừ trường hợp được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản từ Chúng tôi.

Nguồn: vea.gov.vn

Nguồn: NGO