V | E

HỆ THỐNG QUAN TRẮC NƯỚC THẢI TỰ ĐỘNG, LIÊN TỤC

Quan trắc tự động, liên tục là quá trình đo đạc, phân tích liên tục theo thời gian các thông số môi trường bằng các thiết bị đo hoặc phân tích tự động.

1. Thế nào là trạm Quan trắc tự động?

Quan trắc tự động, liên tục là quá trình đo đạc, phân tích liên tục theo thời gian các thông số môi trường bằng các thiết bị đo hoặc phân tích tự động.

Trạm/hệ thống quan trắc tự động cố định là trạm/hệ thống quan trắc được lắp đặt cố định và lâu dài tại vị trí xác định và có khả năng tự động quan trắc các thông số môi trường.

2. Đối tượng phải quan trắc nước thải tự động theo Luật bảo vệ môi trường 2020, liên tục bao gồm:

a) Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xả nước thải ra môi trường;

b) Dự án đầu tư, cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng xả nước thải trung bình trở lên ra môi trường;

c) Dự án đầu tư, cơ sở không thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng xả nước thải lớn ra môi trường.

3. Các thông số quan trắc nước thải tự động liên tục

Thông số và vị trí quan trắc: căn cứ vào đặc thù của nguồn thải, hệ thống xử lý nước thải và yêu cầu quản lý, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các cơ sở thực hiện quan trắc tự động các thông số ô nhiễm và xác định vị trí lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định pháp luật.

Nghị định 40/2019 có quy định cụ thể về thông số quan trắc nước thải như sau:

  • Các thông số quan trắc nước thải tự động liên tục: Lưu lượng (đầu vào và đầu ra), nhiệt độ, pH, TSS, COD, ammonia.
  • Đối với dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có quy mô gây ô nhiễm môi trường, được quy định riêng thì thông số môi trường đặc thù theo ngành nghề do cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường quyết định;
  • Đối với nước làm mát có sử dụng chlorine hoặc hóa chất khử trùng gốc chlorine chỉ lắp đặt các thông số: Lưu lượng, nhiệt độ và chlorine.
  • Kết quả quan trắc nước thải tự động, liên tục được sử dụng để kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

4. Yêu cầu cơ bản đối với hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục:

Việc quan trắc nước thải tự động, liên tục phải đáp ứng quy định kỹ thuật về quan trắc môi trường. Dữ liệu của hệ thống quan trắc được truyền trực tiếp đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

a) Thiết bị quan trắc tự động, liên tục: căn cứ vào thông số quan trắc và nguyên lý đo, phân tích của thiết bị quan trắc để xác định phương pháp lắp đặt thiết bị quan trắc phù hợp, cụ thể:

- Phương pháp trực tiếp: các thiết bị quan trắc (đầu đo pH, nhiệt độ,...) được đặt trực tiếp tại vị trí quan trắc sau hệ thống xử lý nước thải, vị trí đặt các đầu đo phải cách ít nhất 10 cm từ bề mặt nước thải và ít nhất 15 cm từ đáy;

- Phương pháp gián tiếp: nước thải sau khi xử lý được bơm lên nhà trạm vào thùng chứa mẫu để đo trực tiếp bằng các đầu đo nhúng trực tiếp vào thùng hoặc chuyển tới hệ thiết bị phân tích tự động (nếu có);

b) Hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu: được sử dụng để thu thập, lưu giữ và truyền dữ liệu quan trắc tự động, liên tục của hệ thống về cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu được quy định chi tiết tại Điều 39 Thông tư này;

c) Chất chuẩn: để kiểm tra và hiệu chuẩn thiết bị quan trắc của hệ thống;

d) Thiết bị lấy mẫu tự động: để lấy và lưu mẫu nước khi một trong những thông số được giám sát vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Camera: để cung cấp hình ảnh trực tuyến tại vị trí đặt các thiết bị quan trắc và vị trí cửa xả của hệ thống xử lý nước thải trước khi đổ ra nguồn tiếp nhận, cụ thể như sau:

đ1) Trường hợp theo phương án lắp đặt thiết bị trực tiếp: 01 camera được lắp tại vị trí cửa xả của hệ thống xử lý nước thải;

đ2) Trường hợp theo phương án lắp đặt thiết bị gián tiếp: 01 camera được lắp bên trong nhà trạm và 01 camera được lắp bên ngoài nhà trạm tại vị trí cửa xả của hệ thống xử lý nước thải;

đ3) Camera phải bảo đảm có khả năng quay (ngang, dọc), có khả năng xem ban đêm, đảm bảo quan sát rõ ràng các đối tượng cần giám sát; có khả năng ghi lại hình ảnh theo khoảng thời gian, đặt lịch ghi hình;

e) Yêu cầu kỹ thuật đối với các thiết bị phụ trợ khác cho hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư 10/2021, cụ thể:

1. Nhà trạm: để chứa các thiết bị quan trắc của Hệ thống, đảm bảo môi trường an toàn và ổn định cho các thiết bị bên trong nhà trạm. Vị trí nhà trạm phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu sau:

a) Ít bị rung, lắc;

b) Ít bị tác động do bụi và các khí gây ăn mòn;

c) Có nguồn điện ổn định. Nguồn điện và các thiết bị lưu điện phải bảo đảm duy trì hoạt động liên tục, ổn định của Hệ thống và các thiết bị điện phải có các thiết bị đóng ngắt, chống quá dòng, quá áp, có thiết bị ổn áp với công suất phù hợp để bảo đảm Hệ thống hoạt động ổn định, có bộ lưu điện (UPS) bảo đảm hệ thống hoạt động tối thiểu 30 phút từ khi mất điện;

d) Thuận tiện cho công tác lắp đặt, bảo trì, an toàn cho người và thiết bị;

đ) Gần vị trí quan trắc.

2. Bơm lấy mẫu và ống dẫn nước (nếu có)

- Bơm lấy mẫu: hệ thống quan trắc tự động theo phương án gián tiếp phải được trang bị tối thiểu 02 bơm và hệ thống điều khiển để hoạt động luân phiên nhằm bảo đảm nước được bơm liên tục vào thùng chứa nước hoặc vào các thiết bị đo và phân tích mẫu, không tạo bọt khí trong ống dẫn và thùng chứa nước. Thân bơm, buồng bơm phải được chế tạo bằng thép không gỉ hoặc vật liệu không làm thay đổi chất lượng mẫu nước;

- Ống dẫn nước: phải làm bằng vật liệu bền, không gây ảnh hưởng đến chất lượng mẫu nước và có khả năng chống bám vi sinh và phải được thiết kế với hai ống song song và bảo đảm thuận tiện cho công tác làm sạch đường ống và bảo dưỡng định kỳ;

- Trong trường hợp sử dụng phương pháp lắp đặt thiết bị đo gián tiếp thì chiều dài của đường ống dẫn nước từ vị trí quan trắc đến các thùng chứa nước mặt được thiết kế càng ngắn càng tốt và đường kính ống phải đủ lớn (tối thiểu 027) để bảo đảm ống không bị tắc nghẽn.

3. Thiết bị báo cháy, báo khói, chống sét trực tiếp và lan truyền.

4. Thiết bị phụ trợ khác: tùy theo các phương pháp đo, phân tích và điều kiện cụ thể tại vị trí quan trắc, các thiết bị phụ trợ có thể bao gồm (nhưng không bắt buộc) các thành phần sau:

- Lưới chắn rác: để không cho rác và chất bẩn bám vào các đầu đo, làm ảnh hưởng đến kết quả đo. Lưới chắn rác được làm bằng thép không gỉ, có khả năng chịu được ăn mòn;

- Thùng chứa mẫu: để chứa mẫu nước mặt cần quan trắc và các đầu đo. Thùng chứa nước được làm bằng thép không gỉ hoặc vật liệu không gây ảnh hưởng đến chất lượng nước cần quan trắc, thuận tiện cho công tác bảo dưỡng và có thể tích phù hợp với yêu cầu lắp đặt thiết bị quan trắc (thể tích thùng chứa nước tối thiểu 15 lít) và được thiết kế để bảo đảm nước lưu thông liên tục, hạn chế tối đa tình trạng lắng đọng mẫu nước trong thùng chứa nước để bảo đảm tính chính xác và vẹn toàn của mẫu nước;

- Dụng cụ chứa chất thải: để lưu giữ chất thải từ các quá trình phân tích, các dung dịch chuẩn sau sử dụng. Dụng cụ chứa chất thải phải được làm bằng vật liệu chống ăn mòn hóa chất để ngăn chất thải bị rò rỉ ra môi trường bên ngoài. Nơi lưu giữ chất thải được bố trí ở khu vực riêng, có dán nhãn, biển cảnh báo và được quản lý, xử lý theo các quy định hiện hành về quản lý chất thải.

5. Có thiết bị đo nhiệt độ và độ ẩm bên trong nhà trạm.

 

5. Yêu cầu về đặc tính kỹ thuật đối với hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục:

Thông tư 10/2021 quy định Yêu cầu về đặc tính kỹ thuật đối với hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục, cụ thể:

5.1. Thiết bị quan trắc tự động, liên tục

Đặc tính kỹ thuật của các thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục trong hệ thống tối thiểu phải đáp ứng các yêu cầu dưới đây:

STT

Thông số quan trắc

Đơn vị đo

Độ chính xác

Độ phân giải

Thời gian đáp ứng

(% giá trị đọc)

(% khoảng đo)

1

Lưu lượng

m3/h

± 5%

± 5%

-

≤ 5 phút

2

Nhiệt độ

oC

± 5%

± 5%

0,1

≤ 5 giây

3

Độ màu

Pt-Co

± 5%

± 5%

-

≤ 5 phút

4

pH

-

± 0,2 pH

± 0,2 pH

0,1

≤ 5 giây

5

TSS

mg/L

± 5%

± 3%

0,1

≤ 10 giây

6

COD

mg/L

± 5%

± 3%

0,5

≤ 15 phút

7

NH4+

mg/L

± 5 %

± 5 %

0,2

≤ 30 phút

8

Tổng Phôtpho

mg/L

± 5 %

± 3 %

0,1

≤ 30 phút

9

Tổng Nitơ

mg/L

± 5 %

± 3%

0,1

≤ 30 phút

10

TOC

mg/L

± 5%

± 5%

0,1

≤ 30 phút

11

Clo dư

mg/L

± 5 %

± 2%

0,1

≤ 30 phút

Trong đó:

- Về yêu cầu độ chính xác của thiết bị đo tại Bảng 3: đặc tính của thiết bị quan trắc có thể lựa chọn áp dụng độ chính xác theo giá trị đọc hoặc độ chính xác theo khoảng đo;

b) Thiết bị quan trắc tự động phải có ít nhất 01 khoảng đo có khả năng đo được giá trị ≥ 3 lần của giá trị giới hạn quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được áp dụng cho cơ sở (trừ thông số nhiệt độ và pH);

c) Khuyến khích sử dụng các thiết bị quan trắc đồng bộ, được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế gồm có: Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (US EPA), Tổ chức chứng nhận Anh (mCERTs), Cơ quan kiểm định kỹ thuật Đức (TÜV);

d) Có khả năng lưu giữ và kết xuất tự động kết quả quan trắc và thông tin trạng thái của thiết bị đo (tối thiểu bao gồm các trạng thái: đang đo, hiệu chuẩn và báo lỗi thiết bị). Các thông số lưu lượng, nhiệt độ không yêu cầu thông báo trạng thái hiệu chuẩn.

5.2. Chất chuẩn

a) Chất chuẩn để kiểm tra định kỳ phải còn hạn sử dụng, có độ chính xác tối thiểu ± 5% (đối với pH là ± 0,1 pH) và phải được liên kết chuẩn theo quy định về pháp luật đo lường;

b) Chất chuẩn phải đáp ứng tối thiểu 01 điểm nồng độ trong dải đo của từng thiết bị tương ứng với từng thông số được quy định tại Bảng 3, trừ thông số nhiệt độ và lưu lượng.

5.3. Thiết bị lấy và lưu mẫu tự động

Thiết bị lấy và lưu mẫu tự động phải có các tính năng sau:

a) Tự động lấy mẫu (định kỳ, đột xuất hoặc theo thời gian) và lưu mẫu trong tủ bảo quản ở nhiệt độ 4 ± 2oC với thời gian phù hợp để phân tích các thông số;

b) Có khả năng nhận tín hiệu điều khiển từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục vụ việc tự động lấy mẫu từ xa;

c) Tủ lấy mẫu tự động phải được niêm phong và quản lý bởi Sở Tài nguyên và Môi trường.

6. Yêu cầu về quản lý, vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục:

6.1. Cài đặt khoảng đo của hệ thống: khi vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục để truyền số liệu về đơn vị tiếp nhận, thiết bị phải được cài đặt khoảng đo có khả năng đo được giá trị ≥ 3 lần của giá trị giới hạn quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được áp dụng cho cơ sở.

6.2. Bảo đảm chất lượng của hệ thống

a) Nhân lực quản lý và vận hành: phải có đủ nhân lực am hiểu về hệ thống để thực hiện nhiệm vụ quản lý, duy trì và vận hành hệ thống;

b) Hồ sơ quản lý của hệ thống phải được lưu giữ tại đơn vị vận hành hệ thống và sẵn sàng xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ quản lý hệ thống bao gồm:

b1) Danh mục các thông số quan trắc;

b2) Danh mục, đặc tính kỹ thuật của các thiết bị quan trắc của nhà sản xuất thiết bị;

b3) Hướng dẫn sử dụng thiết bị;

b4) Bản vẽ thiết kế và mô tả về hệ thống;

b5) Quy trình vận hành chuẩn (SOP): tối thiểu bao gồm các nội dung về quy trình khởi động và vận hành hệ thống; quy trình kiểm tra hệ thống hàng ngày; tần suất và quy trình kiểm tra độ chính xác của thiết bị bằng dung dịch chuẩn; quy trình pha hóa chất, chất chuẩn và dựng đường chuẩn của các thiết bị phân tích (nếu có); tần suất và quy trình bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị quan trắc; tần suất kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị; tần suất thay thế phụ kiện, vật tư tiêu hao theo khuyến cáo của nhà sản xuất; quy trình khắc phục các lỗi, sự cố phát sinh; quy trình sao lưu dữ liệu; quy trình kiểm tra và báo cáo dữ liệu, quy định về an toàn trong vận hành hệ thống và quy trình lưu giữ, quản lý và xử lý chất thải phát sinh;

b6) Các trang thiết bị và linh phụ kiện dự phòng;

b7) Sổ nhật ký vận hành hệ thống, Sổ nhật ký về hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị;

b8) Sổ tay một số lỗi thường gặp và cách khắc phục các sự cố trong quá trình quản lý, vận hành hệ thống;

b9) Sổ theo dõi, kiểm tra hoạt động hàng ngày của hệ thống;

b10) Giấy chứng nhận kèm theo báo cáo kết quả kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị quan trắc của hệ thống theo quy định;

b11) Biên bản kiểm tra hệ thống bằng dung dịch chuẩn.

6.3. Trước khi hệ thống được đưa vào vận hành chính thức, đơn vị vận hành hệ thống phải gửi hồ sơ liên quan về Sở Tài nguyên và Môi trường, bao gồm:

a) Thông tin về đơn vị đầu tư và vận hành hệ thống: tên, địa chỉ của đơn vị;

b) Thời gian lắp đặt thiết bị (thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc) và thời gian, kết quả thực hiện việc kiểm soát chất lượng của hệ thống tuân theo quy định tại Khoản 6 Điều này;

c) Bản vẽ thiết kế và mô tả về hệ thống; danh mục thông số quan trắc và phương án lắp đặt thiết bị quan trắc (trực tiếp, gián tiếp); thông tin mô tả và hình ảnh, sơ đồ, bản đồ của vị trí quan trắc;

d) Danh mục và đặc tính kỹ thuật của các thiết bị đo và phân tích; hãng sản xuất và model thiết bị; giấy chứng nhận kèm theo báo cáo kết quả kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị; hệ thống thu thập, lưu giữ dữ liệu quan trắc; địa chỉ IP tĩnh (giao thức truyền dữ liệu) gắn liền với hệ thống.

6.4. Kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và kiểm tra định kỳ đối với thiết bị quan trắc tự động, liên tục

a) Thiết bị phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành về đo lường;

b) Thiết bị phải được kiểm tra định kỳ bằng chất chuẩn theo khuyến cáo của nhà sản xuất nhưng phải bảo đảm tối thiểu 01 tháng/lần bởi đơn vị vận hành hệ thống; phải thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn lại thiết bị đo khi giá trị đo được trên thiết bị đo so với giá trị nồng độ của dung dịch chuẩn có sai lệch ≥ 10%. Khuyến khích kiểm định, hiệu chuẩn lại thiết bị đo khi giá trị đo được trên thiết bị đo so với giá trị nồng độ của dung dịch chuẩn có sai lệch < 10%. Quá trình kiểm tra thiết bị bằng chất chuẩn và kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị phải được ghi lại trong nhật ký vận hành hệ thống;

c) Khuyến khích kiểm tra định kỳ thông qua việc đối chứng với kết quả quan trắc các thông số trong chương trình quan trắc môi trường định kỳ của cơ sở (nếu có);

d) Hoạt động bảo trì sửa chữa, thay thế linh phụ kiện phải được đơn vị vận hành hệ thống lập kế hoạch và được quy định chi tiết trong quy trình vận hành chuẩn (SOP).

6.5. Trường hợp cần thực hiện việc bảo trì, kiểm định, hiệu chuẩn, thay thế linh phụ kiện, sửa chữa, thay thế các thiết bị đo và phân tích chủ cơ sở phải thực hiện các yêu cầu sau:

a) Gửi thông báo bằng văn bản tới Sở Tài nguyên và Môi trường; nêu rõ kế hoạch thực hiện, thời gian kết thúc việc bảo trì, kiểm định, hiệu chuẩn, thay thế linh phụ kiện, sửa chữa, thay thế các thiết bị đo và phân tích;

b) Trong thời gian thiết bị quan trắc tự động ngừng hoạt động từ 48 tiếng trở lên, chủ cơ sở phải thực hiện quan trắc tối thiểu 01 lần/ngày đối với các thông số không được đo đạc bằng thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục cho tới khi thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục hoạt động trở lại. Kết quả quan trắc phải được lưu giữ và gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

6.6. Thực hiện kiểm soát chất lượng của hệ thống trước khi đưa vào vận hành chính thức và định kỳ 01 lần/năm bởi một đơn vị độc lập có năng lực thực hiện theo quy trình như sau:

a) Kiểm tra vị trí quan trắc đáp ứng theo quy định;

b) Kiểm tra tính năng thu thập, lưu giữ và truyền dữ liệu quan trắc tự động, liên tục của hệ thống;

c) Kiểm tra các thành phần, đặc tính kỹ thuật và tính năng khác của hệ thống;

d) Đánh giá độ chính xác tương đối của hệ thống, gồm:

d1) Thực hiện quan trắc đối chứng:

d1.1) Quan trắc đối chứng là việc quan trắc sử dụng các phương pháp quan trắc định kỳ được quy định tại Phụ lục 4.1 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc các phương pháp được Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (US EPA) chấp nhận là phương pháp tương đương để đối chứng và so sánh kết quả thu được với kết quả quan trắc của hệ thống;

d1.2) Thực hiện quan trắc đối chứng riêng biệt cho từng thông số;

d1.3) Số mẫu quan trắc đối chứng tối thiểu 06 mẫu/thông số/1 lần;

d2) Tính toán và đánh giá kết quả quan trắc đối chứng thông qua độ chính xác tương đối (RA) như sau:

d2.1) Tính toán theo quy định tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư 10/2021;

d2.2) Đánh giá kết quả RA như sau:

- Dữ liệu quan trắc của hệ thống được chấp nhận sử dụng khi RA nằm trong giới hạn cho phép tại Bảng 4 dưới đây:

Bảng 4. Giới hạn cho phép các thông số khi sử dụng để đánh giá thông qua độ chính xác tương đối

TT

Thông số

Giới hạn cho phép của RA  (%)

1

pH

≤ 20

2

TSS

≤ 30

3

Độ màu

≤ 20

3

COD

≤ 20

5

N-NH4+

≤ 20

6

Tổng P

≤ 20

7

Tổng N

≤ 20

8

TOC

≤ 20

9

Clo dư

≤ 30

- Đối với các thông số không quy định tại Bảng 4, kết quả giá trị RA cho các thông số phải được gửi cho cơ quan tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động để xem xét, quyết định việc tiếp nhận và quản lý số liệu;

đ) Các thông tin kiểm soát chất lượng được ghi chép vào Biên bản kiểm tra các đặc tính kỹ thuật, tính năng và độ chính xác tương đối của hệ thống tại Phụ lục 13 ban hành kèm theo Thông tư 10/2021.

7. Yêu cầu đối với hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu (data logger) tại các trạm, hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục

Hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu tại các trạm, hệ thống có lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường (chất lượng nước, chất lượng không khí xung quanh, nước thải, khí thải) tự động, liên tục phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như sau:

7.1. Nhận, lưu giữ và quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tại data logger

a) Hệ thống phải kết nối trực tiếp đến các thiết bị đo, phân tích, bộ điều khiển (data controller), hệ thống lấy mẫu tự động (nếu có), không kết nối thông qua thiết bị khác;

b) Tín hiệu đầu ra của hệ thống là dạng số (digital);

c) Bảo đảm lưu giữ liên tục ít nhất là 60 ngày dữ liệu gần nhất. Các dữ liệu lưu giữ tối thiểu gồm: thông số đo, kết quả đo, đơn vị đo, thời gian đo, trạng thái của thiết bị đo (đang đo, hiệu chuẩn và báo lỗi thiết bị);

d) Đối với các hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, các cổng kết nối không sử dụng để truyền, nhận dữ liệu về cơ quan quản lý phải được niêm phong bởi cơ quản quản lý nhà nước tại địa phương;

đ) Bảo đảm hiển thị các thông tin bao gồm: thông số đo, kết quả đo, đơn vị đo (theo đơn vị được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng để so sánh), thời gian đo, trạng thái của thiết bị đo và trích xuất dữ liệu tại hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu;

7.2. Truyền dữ liệu quan trắc môi trường

a) Truyền dữ liệu theo phương thức FTP hoặc FTPs hoặc sFTP tới địa chỉ máy chủ bằng tài khoản và địa chỉ do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp; đường truyền internet tối thiểu ở mức 30Mb/s. Trường hợp đơn vị truyền và đơn vị tiếp nhận đủ khả năng đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật, khuyến khích việc sử dụng các phương thức truyền dữ liệu hiện đại hơn phương thức quy định;

b) Dữ liệu phải được truyền theo thời gian thực chậm nhất sau 05 phút khi kết quả quan trắc được hệ thống trả ra, mỗi lần 01 tệp dữ liệu và các tệp này được lưu giữ vào các thư mục. Đối với các hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, dữ liệu phải được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường từ địa chỉ IP tĩnh đã thông báo với Sở Tài nguyên và Môi trường;

c) Bảo đảm đồng bộ thời gian thực theo chuẩn quốc tế múi giờ Việt Nam (GMT+7);

d) Trường hợp việc truyền dữ liệu bị gián đoạn, ngay sau khi phục hồi, hệ thống phải tự động thực hiện truyền các dữ liệu của khoảng thời gian bị gián đoạn. Trong trường hợp việc truyền dữ liệu bị gián đoạn quá 12 tiếng, đơn vị vận hành hệ thống phải có thông báo ngay bằng văn bản và thư điện tử (email) về nguyên nhân, các biện pháp khắc phục về sự cố gián đoạn này với Cơ quan tiếp nhận dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục;

đ) Cho phép nhận tín hiệu điều khiển việc lấy mẫu tự động từ xa (nếu có) và lấy dữ liệu khi có yêu cầu.

7.3. Định dạng và nội dung tệp dữ liệu

a) Dữ liệu được định dạng theo dạng tệp; *.txt;

b) Nội dung tệp dữ liệu bao gồm 05 thông tin chính: thông số đo, kết quả đo, đơn vị đo, thời gian đo, trạng thái của thiết bị đo (đang đo, hiệu chuẩn và báo lỗi thiết bị). Cấu trúc, nội dung, quy định tên của tệp dữ liệu thực hiện theo quy định tại Phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Thông tin từ các camera được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường sử dụng phương thức truyền RTSP. Dữ liệu camera phải được lưu trữ tối thiểu trong thời gian 03 tháng.

7.4. Bảo mật và tính toàn vẹn của dữ liệu

a) Sau khi hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục đi vào hoạt động chính thức, hệ thống data logger phải được kiểm soát truy cập bằng tài khoản và mật khẩu, các cổng kết nối phải được niêm phong. Tài khoản, mật khẩu tối cao (Admin, Host, Superhost, Master, Supervisor) của data logger phải được cung cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện việc quản lý, kiểm soát các cổng kết nối, cấu hình và quá trình nâng cấp phần mềm điều khiển (firmware) của data logger;

b) Cơ sở và các đơn vị vận hành hệ thống phải bảo đảm và chịu trách nhiệm về bảo mật, tính toàn vẹn của dữ liệu, tài khoản truy cập máy chủ FTP và địa chỉ IP tĩnh nơi truyền dữ liệu.

8. Quản lý, cung cấp, chia sẻ thông tin dữ liệu quan trắc môi trường:

8.1. Dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường gồm: kết quả quan trắc chất lượng môi trường tự động, liên tục của các chương trình quan trắc chất lượng môi trường theo quy định.

8.2. Báo cáo kết quả quan trắc chất lượng môi trường, bao gồm: báo cáo kết quả quan trắc chất lượng môi trường theo quý và năm (đối với quan trắc tự động, liên tục).

8.3. Hình thức dữ liệu, báo cáo quan trắc chất lượng môi trường:

a) Định dạng dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường: dữ liệu quy định tại Khoản 1 Điều 42 Thông tư 10/2021 được lưu trong tệp (file) máy tính định dạng word (.doc hoặc .docx) đối với báo cáo quan trắc chất lượng môi trường; dạng file excel (.xls hoặc .xlsx) đối với kết quả quan trắc định kỳ; file text đối với kết quả quan trắc tự động, liên tục;

b) Mẫu báo cáo kết quả quan trắc tự động, liên tục thực hiện theo quy định tại Biểu A3, Biểu A4 Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư 10/2021.

9. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương:

a) Giám sát dữ liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục; đánh giá kết quả quan trắc nước thải tự động, liên tục theo giá trị trung bình ngày (24 giờ) của các kết quả đo và so sánh với giá trị tối đa cho phép các thông số ô nhiễm theo quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; theo dõi, kiểm tra việc khắc phục trong các trường hợp: dữ liệu quan trắc bị gián đoạn; phát hiện thông số giám sát vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định;

b) Tổng hợp, truyền số liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định và khi được yêu cầu.

10. Căn cứ Quy định của pháp luật:

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (sau đây gọi tắt là Luật BVMT năm 2020) được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020;

Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường ngày 13/05/2019;

Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Phụ Lục 13: Biên Bản Kiểm Tra Các Đặc Tính Và Độ Chính Xác Tương Đối Của Hệ Thống Quan Trắc Nước Thải Tự Động, Liên Tục (Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT)

 

 

***Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Điều khoản sử dụng – Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của website.

Trang web này thuộc bản quyền của Công ty TNHH Quốc tế NGO (NGO International). Bất kỳ hình thức sử dụng hoặc sao chép một phần hoặc toàn bộ nội dung dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm, trừ trường hợp được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản từ Chúng tôi.

Nguồn: NGO