GIẤY PHÉP XẢ THẢI VÀO NGUỒN NƯỚC
1. Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước là gì?
Giấy phép xả thải là một hồ sơ môi trường của một doanh nghiệp, khi đã đi vào hoạt động, đã có hệ thống xử lý nước thải mà chưa xin phép đấu nối xả thải vào môi trường.
Giấy phép này giúp cho cơ quan chức năng có thể kiểm tra thống kê được chính xác lưu lượng nước thải thải ra môi trường xung quanh có đạt đúng quy chuẩn của từng loại nước thải theo quy định hay không.
Xin giấy phép xả thải là quá trình lập báo cáo phân tích, đánh giá, ảnh hưởng của xả nước thải đến môi trường nước tiếp nhận (nguồn nước) từ đó đề xuất các giải pháp thích hợp về công nghệ, quản lý nhằm đảm bảo nước thải trước khi xả thải nguồn nước phải đảm bảo Quy chuẩn Việt Nam (tùy theo nguồn nước tiếp nhận).
2. Nội dung chính của Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước
a) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép;
b) Tên, vị trí công trình xả nước thải vào nguồn nước;
c) Nguồn nước tiếp nhận nước thải;
d) Quy mô, công suất, lưu lượng, thông số chủ yếu của công trình xả nước thải;
đ) Chế độ, phương thức xả nước thải;
e) Thời hạn của giấy phép;
g) Các yêu cầu, điều kiện cụ thể đối với từng trường hợp xả nước thải vào nguồn nước do cơ quan cấp phép quy định nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác liên quan;
h) Quyền, nghĩa vụ của chủ giấy phép.
3. Đối tượng nào phải xin cấp phép xả thải
3.1. Đối tượng KHÔNG phải xin cấp phép xả thải Các trường hợp không phải xin phép xả nước thải vào nguồn nước quy định tại Khoản 5 Điều 37 của Luật tài nguyên nước bao gồm:
a) Xả nước thải sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình;
b) Xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 5 m3/ngày đêm và không chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ;
c) Xả nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung mà hệ thống đó đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và có thỏa thuận hoặc hợp đồng xử lý, tiêu thoát nước thải với tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đó;
d) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 10.000 m3/ngày đêm hoặc nuôi trồng thủy sản trên biển, sông, suối, hồ chứa.
3.2. Đối tượng CẦN XIN cấp phép xả thải với quy mô dưới 5 m3 /ngày đêm Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải với quy mô dưới 5 m3 /ngày đêm nhưng phải có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước là cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực sau đây:
a) Dệt nhuộm; may mặc có công đoạn nhuộm, in hoa; giặt là có công đoạn giặt tẩy;
b) Luyện kim, tái chế kim loại, mạ kim loại; sản xuất linh kiện điện tử;
c) Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp; thuộc da, tái chế da;
d) Chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất; lọc hóa dầu, chế biến sản phẩm dầu mỏ;
đ) Sản xuất giấy và bột giấy; nhựa, cao su, chất tẩy rửa, phụ gia, phân bón, hóa chất, dược phẩm, đông dược, hóa mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật; pin, ắc quy; mây tre đan, chế biến gỗ có ngâm tẩm hóa chất; chế biến tinh bột sắn, bột ngọt;
e) Khám chữa bệnh có phát sinh nước thải y tế;
g) Thực hiện thí nghiệm có sử dụng hóa chất, chất phóng xạ.
3.3. Các đối tượng khác KHÔNG THUỘC nhóm đối tượng đã nêu ở mục 3.1. thì thuộc đối tượng cần xin cấp phép xả thải.
4. Thời hạn của giấy phép xả thải
Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước có thời hạn tối đa là mười (10) năm, tối thiểu là ba (03) năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là hai (02) năm, tối đa là năm (05) năm.
5. Thẩm quyền cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước
5.1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép đối với các trường hợp sau đây:
a) Xả nước thải với lưu lượng từ 30.000 m3 /ngày đêm trở lên đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản;
b) Xả nước thải với lưu lượng từ 3.000 m3 /ngày đêm trở lên đối với các hoạt động khác. 5.2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép đối với các trường hợp không quy định tại Khoản 1 nêu trên.
5.2. Cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép:
- Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
6. Hồ sơ cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép;
b) Đề án xả nước thải vào nguồn nước kèm theo quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải đối với trường hợp chưa xả nước thải; báo cáo hiện trạng xả nước thải kèm theo quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải đối với trường hợp đang xả nước thải vào nguồn nước;
c) Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước tiếp nhận tại vị trí xả nước thải vào nguồn nước; kết quả phân tích chất lượng nước thải trước và sau khi xử lý đối với trường hợp đang xả nước thải. Thời điểm lấy mẫu phân tích chất lượng nước không quá ba (03) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ;
d) Sơ đồ vị trí khu vực xả nước thải. 20 Trường hợp chưa có công trình xả nước thải vào nguồn nước, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải nộp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
7. Trình tự, thủ tục cấp giấy xả nước thải vào nguồn nước
Tổng thời gian cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước (bao gồm cả thời gian chỉnh sửa là 65 ngày làm việc (không bao gồm thời gian lễ, tết và yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ)
7.1. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:
a) Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nộp hai (02) bộ hồ sơ và nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép còn phải nộp thêm một (01) bộ hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường của địa phương dự định đặt công trình;
b) Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung mà vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.
7.2. Thẩm định đề án, báo cáo thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trong hồ sơ đề nghị cấp phép (sau đây gọi chung là đề án, báo cáo):
a) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định đề án, báo cáo; nếu cần thiết thì kiểm tra thực tế hiện trường, lập hội đồng thẩm định đề án, báo cáo. Trường hợp đủ điều kiện cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép và thông báo lý do không cấp phép;
b) Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện đề án, báo cáo thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo. Thời gian bổ sung, hoàn thiện hoặc lập lại đề án, báo cáo không tính vào thời gian thẩm định đề án, báo cáo. Thời gian thẩm định sau khi đề án, báo cáo được bổ sung hoàn chỉnh là hai mươi (20) ngày làm việc;
c) Trường hợp phải lập lại đề án, báo cáo, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung đề án, báo cáo chưa đạt yêu cầu, phải làm lại và trả lại hồ sơ đề nghị cấp phép.
7.3. Trả kết quả giải quyết hồ sơ cấp phép Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận giấy phép.
8. Mẫu hồ sơ
8.1. Đơn đề nghị cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước được áp dụng theo Mẫu 09 Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT
8.2. Đề án xả nước thải vào nguồn nước (đối với trường hợp chưa có công trình hoặc đã có công trình xả nước thải nhưng chưa có hoạt động xả nước thải) được áp dụng theo Mẫu 35 Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT 21
8.3. Báo cáo xả nước thải vào nguồn nước (đối với trường hợp đang xả nước thải vào nguồn nước) được áp dụng theo Mẫu 36 Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT
Nội dung chính Báo cáo:
Mở đầu
(1). Trình bày các thông tin về tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép xả nước thải (tên, địa chỉ, điện thoại, fax, email...) và về cơ sở xả nước thải (tên, vị trí, quy mô, loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, năm bắt đầu hoạt động).
(2). Trình bày khái quát về hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở xả nước thải:
(3). Trình bày khái quát về nhu cầu sử dụng nước và xả nước thải: lưu lượng nước sử dụng, lưu lượng xả nước thải trung bình, lưu lượng xả lớn nhất (tính theo m3 /ngày đêm); chất lượng nước thải (nêu rõ Quy chuẩn về chất lượng nước thải đạt được trước khi xả vào nguồn nước tiếp nhận, hệ số áp dụng); lượng nước, mục đích tái sử dụng nước sau xử lý (nếu có).
(4). Trình bày khái quát việc thu gom, xử lý, xả nước thải.
(5). Cơ sở lựa chọn nguồn nước tiếp nhận nước thải.
(6). Tóm tắt phương án phòng ngừa, khắc phục sự cố và kiểm soát hoạt động xử lý, xả nước thải vào nguồn nước.
(7). Trình bày các căn cứ, tài liệu lập báo cáo.
(8). Thông tin về việc tổ chức thực hiện lập báo cáo:
Chương I: Đặc trưng nguồn nước thải
Chương II: Đặc trưng nguồn tiếp nhận nước thải
Chương III: Khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn tiếp nhận
Chương IV: Kiểm soát hoạt động xả thải vào nguồn nước
Kết luận, Kiến nghị và Cam kết:
Phụ lục kèm theo Báo cáo bao gồm:
(1). Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước nơi tiếp nhận nước thải, chất lượng nước thải trước và sau xử lý (thời điểm lấy mẫu phân tích chất lượng nước không quá 03 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ), kèm theo sơ đồ vị trí lấy mẫu (vị trí lấy mẫu ở thượng lưu và hạ lưu vị trí xả nước thải) và mô tả thời điểm lấy mẫu ngoài hiện trường (thời tiết, hiện trạng nguồn nước và các nguồn thải xung quanh khu vực vị trí lấy mẫu). (Các thông số phân tích nước nguồn tiếp nhận là các thông số theo QCVN hiện hành về chất lượng nước mặt, nước biển ven bờ; các thông số phân tích chất lượng nước thải là các thông số có trong nguồn thải hoặc theo QCVN về chất lượng nước thải hiện hành).
(2). Số liệu quan trắc chất lượng nước thải, nước nguồn tiếp nhận (nếu có).
(3). Văn bản quy định về quy hoạch tài nguyên nước, phân vùng mục đích sử dụng nước, phân vùng xả thải do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại khu vực nguồn nước tiếp nhận nước thải (nếu có).
(4). Các bản vẽ mặt bằng hệ thống thu gom, tiêu thoát nước thải, nước mưa;
(5). Báo cáo thuyết minh, bản vẽ thiết kế hệ thống xử lý nước thải;
(6). Văn bản hợp lệ việc tổ chức/cá nhân được giao, được thuê hoặc được sử dụng đất để đặt công trình dẫn, xả nước thải trong trường hợp hệ thống dẫn, xả nước thải của tổ chức/cá nhân đề nghị xin phép không nằm trên đất do tổ chức/cá nhân này quản lý.
(7). Hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân vận hành hệ thống xử lý nước thải và quan trắc hoạt động xả nước thải (đối với trường hợp cơ sở xả nước thải thuê tổ chức, cá nhân khác có đủ năng lực để vận hành và quan trắc).
9. Căn cứ quy định pháp luật:
Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13
Nghị định 201/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước
Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước
Thông tư 76/2017/TT-BTNMT Quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ.
QCVN 08-MT: 2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt
QCVN 40:2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp
***Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Điều khoản sử dụng – Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của website.
Trang web này thuộc bản quyền của Công ty TNHH Quốc tế NGO (NGO International). Bất kỳ hình thức sử dụng hoặc sao chép một phần hoặc toàn bộ nội dung dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm, trừ trường hợp được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản từ Chúng tôi.