V | E

ĐẦU TƯ HỆ THỐNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI, DOANH NGHIỆP CẦN LƯU Ý GÌ?

NGO News - Để đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, doanh nghiệp cần hiểu rõ về loại nước nước thải, tính chất và công suất của doanh nghiệp mình cũng như có kiến thức chung về xử lý nước thải. Bài viết do NGO tổng hợp dưới đây sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan trước khi đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Bước 1: Tìm hiểu về nguồn gốc và bản chất của việc xử lý nước thải

Nước thải = Nước + thành phần ô nhiễm. Xử lý nước thải về bản chất là giảm thiểu hoặc loại bỏ các thành phần ô nhiễm trong nước.

Mức độ ô nhiễm thể hiện ở số lượng các thành phần ô nhiễm và nồng độ của các thành phần ô nhiễm đó trong nước. Mức độ ô nhiễm càng cao thì giải pháp xử lý nước thải càng phức tạp về mặt cơ bản.

Thành phần ô nhiễm trong nước được phân loại cơ bản theo các nhóm sau:

  • Thành phần hữu cơ/ vô cơ
  • Thành phần tan/ không tan (lơ lửng trong nước)
  • Thành phần dinh dưỡng, gồm Ni tơ & Phốt pho
  • Dầu mỡ: nguồn động thực vật hoặc dầu mỡ khoáng
  • Kim loại nặng
  • Muối, axit
  • Thành phần độc hại như thuốc trừ sâu
  • Các rác thải kích thước lớn

Ô nhiễm cũng có thể được đánh giá bằng tình trạng thiếu hụt hoặc biến mất của Oxy trong nước.

 

Loại nước thải

Tiêu chuẩn xử lý cần đạt

 Nước thải sinh hoạt

 

 QCVN 14:2008/BTNMT

 Nước thải y tế

 

 QCVN 28:2010/BTNMT

 Nước thải công nghiệp

 

 QCVN 40:2011/BTNMT

 (Một số ngành sản xuất có quy chuẩn riêng như giấy, chăn nuôi, …)

Bước 2:  Tiến hành lấy mẫu nước thải và xét nghiệm để xác định thành phần ô nhiễm có trong nguồn nước thải và nồng độ ô nhiễm của từng thành phần (còn gọi là thông số ô nhiễm) theo các thông số nêu tại QCVN tương ứng

Bước 3: Lựa chọn phương pháp xử lý

Bước 4: Lựa chọn công nghệ áp dụng

Với mỗi phương pháp hay cách thức xử lý thì có rất nhiều loại công nghệ và thiết bị khác nhau. Ví dụ: phương pháp lắng vật lý có thể sử dụng công nghệ lắng đứng, lắng ngang, lắng lamen, lắng ly tâm. Phương pháp lọc có thể lựa chọn lọc bằng vật liệu (cát, carbon), lọc bằng thiết bị cơ khí chính xác, lọc bằng màng lọc…

Tùy thuộc và điều kiện và nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đặc tính nước thải để lựa chọn công nghệ phù hợp nhất.

Một số tiêu chí doanh nghiệp cần lưu ý khi lựa chọn công nghệ xử lý nước thải:

Tiêu chí về mặt kĩ thuật

  • Hiệu quả xử lý nước thải (tuân thủ theo QCVN)
  • Hiệu quả xử lý/chi phí đầu tư
  • Tuổi thọ hay độ bền của công trình, thiết bị
  • Thời gian xây dựng hệ thốngThời gian xây dựng hệ thống

Tiêu chí về mặt kinh tế

  • Chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị (tính theo suất đầu tư): Chi phí xây dựng một công trình xử lý nước thải sinh hoạt bao gồm chi phí nguyên vật liệu xây dựng, công lao động, vận chuyển và một số chi phí phụ trợ khác. Chi phí này có thể được biểu diễn qua suất đầu tư xây dựng trên một đơn vị nước thải.
  • Chi phí vận hành, bảo trì, sửa chữa (tính theo VNĐ/m3 nước thải): Chi phí vận hành hệ thống xử lý bao gồm: chi phí điện, nước, hóa chất, nhân công. Chi phí bảo trì và sửa chữa công trình là chi phí dùng cho việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống (như thay thế phụ tùng, thiết bị trong bảo trì, bảo dưỡng, thay thế màng lọc nếu có).

Tiêu chí về môi trường

  • Tỷ lệ sử dụng nguyên liệu và năng lượng
  • Khả năng tái sử dụng nước sau xử lý
  • Mức độ xử lý bùn và khí thải
  • Mức độ rủi ro mất an toàn đối với người vận hành, môi trường và giải pháp phòng ngừa, khắc phục khi xảy ra sự cố
  • Yêu cầu về nguồn nhân lực quản lý và vận hành hệ thống xử lý nước thải

Bước 5: Xây dựng quy trình xử lý/ hệ thống xử lý nước thải

Quy trình xử lý nước thải phổ biến
Quy trình xử lý nước thải phổ biến

Một quy trình xử lý nước thải thường bao gồm các bước xử lý sau:

Bước 1: Thu gom nước thải từ các điểm xả thải (nếu có nhiều điểm xả thải)

Bước 2: Tách rác thô (các hạt có kích thước to, các chất rắn có kích thước to)

Bước 3: Bể chứa nước hay còn gọi là bể điều hòa để chứa nước thải sau khi thu gom, ổn định lưu lượng và nồng độ ô nhiễm.

Bước 4: Xử lý cấp 1 hay còn  gọi là Tiền xử lý, ví dụ như lắng cặn/ cát, trung hòa PH, điều chỉnh nhiệt độ, loại bỏ dầu mỡ,…

Bước 5: Xử lý vi sinh (áp dụng khi nước thải có nhiều thành phần ô nhiễm hữu cơ). Quy trình vi sinh thường bao gồm một phần hoặc đầy đủ các bước: phản ứng vi sinh yếm khí, phản ứng vi sinh thiếu khí, phản ứng vi sinh hiếu khí

Bước 6: Lắng cấp 2 hoặc lọc để loại bỏ bùn hoạt tính dư lẫn trong nước thải sau bước xử lý vi sinh.

Bước 7: Khử trùng để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh

Bước 8: Thiết kế bể chứa bùn dư sinh ra từ hệ thống xử lý, bao gồm cặn và bùn hoạt tính

Bước 9: Thiết kế các đường ống hồi lưu bùn

Bước 10: Hệ thống điều khiển điện

 

 

***Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Điều khoản sử dụng – Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của website.

Trang web này thuộc bản quyền của Công ty TNHH Quốc tế NGO (NGO International). Bất kỳ hình thức sử dụng hoặc sao chép một phần hoặc toàn bộ nội dung dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm, trừ trường hợp được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản từ Chúng tôi.

Nguồn: NGO