V | E

CÔNG NGHỆ XỬ LÝ NƯỚC THẢI SINH HOẠT

NGO News - Tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp nên việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ xử lý nước thải là vô cùng cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ tập trung làm rõ đặc tính nước thải sinh hoạt và một số công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt phổ biến hiện nay.

1. Đặc tính nước thải sinh hoạt

1.1.         Nước thải sinh hoạt là gì?

Nước thải sinh hoạt được sinh ra từ hoạt động hàng ngày của con người như: tắm giặt, ăn uống, vệ sinh…Ngoại trừ các hộ gia đình riêng lẻ hiện nay chưa có quy định về xử lý nước thải sinh hoạt, còn lại nước thải từ các tòa nhà, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng (resort), nhà máy, nhà hàng…đều cần xử lý theo tiêu chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT.

1.2.         Thành phần nước thải sinh hoạt:

Theo tính chất ô nhiễm, nước thải sinh hoạt được chia thành 2 loại: nước thải đen (nước từ nhà vệ sinh, bể phốt), nước thải xám (nước thải từ hoạt động tắm giặt, ăn uống). Nước thải đen có nồng độ BOD, Amoni, vi sinh vật gây bệnh cao, là nguồn ô nhiễm chính trong nước thải sinh hoạt.

Thông số ô nhiễm của nước thải sinh hoạt thông thường (tức gồm tất cả các nguồn xả thải từ tắm giặt, ăn uống, vệ sinh) như sau:

Tuy nhiên, tại các nhà máy, trung tâm thương mại khi mà nguồn nước xám ít (do không có hoạt động tắm giặt), nồng độ ô nhiễm thường cao hơn do nước thải đen không được pha loãng bằng nguồn nước xám, đặc biệt là nồng độ Amoni từ hoạt động vệ sinh của con người.  Nồng độ Amoni thường cao hơn 100mg/l cho đến 150mg/l. Phần lớn các dự án xử lý nước thải sinh hoạt hiện nay tại Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc xử lý triệt để Amoni. Tại nhiều dự án tỷ lệ ô nhiễm COD/BOD và BOD/NH3N trong nước thải cũng không cân bằng, gây khó khăn cho việc phát triển vi sinh để xử lý các thành phần ô nhiễm, nhất là hầu hết các dự án tại Việt Nam đều xây dựng bể tự hoại từ trước theo truyền thống, phản ứng vi sinh tại bể tự hoại kiến COD giảm thấp và có thể gây khó khăn cho việc duy trì nồng độ vi sinh cao trong các bể xử lý phía sau.

2.  QCVN 14: 2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt

Tùy vào nguồn tiếp nhận nước thải đầu ra có dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt hay không mà các đơn vị sẽ lựa chọn tiêu chuẩn cột A hay B của QCVN 14: 2008/BTNMT làm thước đo đánh giá chất lượng nước thải sinh hoạt sau xử lý.

QCVN 14: 2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt
QCVN 14: 2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt

3. Công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt phổ biến:

Do đặc tính nước thải sinh hoạt thường có tỷ lệ BOD/COD ≥ 0.2 lần, nước thải có thể xử lý hiệu quả bằng vi sinh, vì vậy phương pháp xử lý phổ biến nhất hiện nay là xử lý bằng vi sinh, đây cũng được xem là phương pháp rẻ nhất. Phương pháp xử lý hóa lý có thể sẽ được bổ sung tùy thuộc vào giải pháp của từng nhà cung cấp và công nghệ sử dụng.

Phương pháp xử lý nước thải bằng vi sinh thường được thực hiện theo công nghệ truyền thống hoặc công nghệ màng lọc, trong đó các nhà cung cấp giải pháp truyền thống tại Việt Nam vẫn chiếm số đông, lý do giải pháp đơn giản, phụ thuộc chủ yếu vào vi sinh và diện tích xây dựng của hệ xử lý, tuy nhiên chất lượng nước sau xử lý thường không ổn định nếu diện tích không đủ, chi phí xây dựng thường cao.

Dưới đây là danh sách một số công nghệ phổ biến được ứng dụng trong việc xử lý nước thải sinh hoạt:

3.1.         Công nghệ bùn hoạt tính truyền thống (CAS)

  • Bùn hoạt tính là phương pháp mà vi sinh vật trong nước thải bám vào các chất lơ lửng trong đó để cư trú, sinh sản, phát triển và các vi sinh này sử dụng nguồn chất hữu cơ trong nước làm thức ăn đồng thời phân hủy các chất hữu cơ làm tăng sinh khối và dần dần tạo thành các hạt bông bùn gọi là hoạt tính.
  • Chất lượng nước thải sau xử lý phụ thuộc vào độ lắng của bùn hoạt tính và kích thước của bể phản ứng.

3.2.         Công nghệ AAO

  • Công nghệ xử lý nước thải AAO là quy trình xử lý sinh học liên tiếp ứng dụng nhiều hệ vi sinh khác nhau như hệ vi sinh vật yếm khí, thiếu khí, hiếu khí.  AAO sử dụng vi sinh vật bám vào các chất lơ lửng để cư trú giống như công nghệ bùn hoạt tính truyền thống (CAS) nhưng toàn diện hơn.

3.3.         Công nghệ giá thể di động MBBR

  • Bản chất công nghệ MBBR là quá trình CAS/AAO/AO, bổ sung thêm giá thể di động. Giá thể di động giúp tăng diện tích bề mặt cho vi sinh dính bám, từ đó tăng đáng kể nồng độ MLSS. Nồng độ MLSS càng cao, diện tích yêu cầu để xây dựng hệ thống xử lý càng nhò.

3.4.         Công nghệ màng lọc sinh học MBR

  • MBR là công nghệ tiên tiến sử dụng phương pháp sinh học kết hợp kỹ thuật tách sinh khối sử dụng loại màng MF/UF với kích thước lỗ màng từ 0,1 – 0,4 µm. Quá trình xử lý sinh học có thể được kết hợp từ các khâu kỵ khí, thiếu khí, hiếu khí (AAO/AO) phụ thuộc vào yêu cầu xử lý hoặc quá trình xử lý các chất hữu cơ triệt để thông qua hai chất dinh dưỡng (N,P)

 

4. Các cấu phần của một hệ thống/nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt điển hình

Một hệ thống/ nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thường được xây dựng gồm các cấu phần chính sau:

  • Hệ thống thu gom: thu gom nước thải từ các nguồn xả thải khác nhau về 1 điểm thu gom
  • Hệ thống tiền xử lý: thường là lọc rác thô, lọc dầu mỡ
  • Hệ thống xử lý bằng vi sinh: có thể gồm các bể xử lý vi sinh yếm khí, vi sinh thiếu khí, vi sinh hiếu khí
  • Hệ thống hậu xử lý: có thể gồm các bể lắng, bể thu bùn, bể tiệt trùng
  • Hệ thống điều kiển và nhà điều hành
  • Máy ép bùn: sử dụng cho các dự án có công xuất xả thải lớn

Một hệ thống/nhà máy xử lý gồm đầy đủ các cấu phần nêu trên không có nghĩa là hệ thống hoạt động tốt hay hiệu quả. Các thông số thiết kế, việc lắp đặt thiết bị đúng kỹ thuật, việc khởi động vận hành chuẩn theo từng loại công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt sẽ quyết định đến chất lượng xử lý của từng hệ thống, mà việc này phụ thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của từng nhà cung cấp. Bên cạnh đó, chi phí vận hành của cả hệ thống để sản xuất ra 1m3 nước sạch từ nước thải cũng là một tiêu chí quan trọng để đánh giá xem chất lượng xử lý của hệ thống là như thế nào.

 

 

***Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Điều khoản sử dụng – Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của website.

Trang web này thuộc bản quyền của Công ty TNHH Quốc tế NGO (NGO International). Bất kỳ hình thức sử dụng hoặc sao chép một phần hoặc toàn bộ nội dung dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm, trừ trường hợp được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản từ Chúng tôi.

Nguồn: NGO